Tin sức khỏe - đời sống
Bệnh thủy đậu ở trẻ em: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Tổng quan về bệnh thủy đậu ở trẻ em
Thủy đậu là một bệnh thường gặp ở trẻ em hơn so với người lớn, với hơn 90% trường hợp xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi.
Bệnh thường có diễn tiến lành tính ở trẻ em khỏe mạnh. Tuy nhiên ở người lớn và bệnh nhân suy giảm miễn dịch bệnh có nguy cơ diễn tiến nặng hơn.
Dấu hiệu nhận biết của bệnh thủy đậu là phát ban da gây ngứa với mẩn đỏ có bóng nước. Trong vài ngày, các mụn nước nổi lên dày đặc và bắt đầu vỡ ra và đóng vảy rồi lành lại. Các triệu chứng xuất hiện trong vòng 10 đến 21 ngày sau tiếp xúc với virus và nhiễm bệnh. Hầu hết các trường hợp hồi phục trong khoảng 2 tuần.
Nguyên nhân bệnh thủy đậu ở trẻ em
Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu là virus varicella-zoster.
Loại virus này xâm nhập qua đường hô hấp trên hoặc qua bề mặt kết mạc mắt và cư trú ở đường hô hấp trên của trẻ. Tại đây, virus dần sinh sôi trong vài ngày và sau đó dần lây lan đến các tế bào các nơi khác trên cơ thể. Giai đoạn này là lúc bệnh thủy đậu dễ lây lan nhất. Nó kéo dài từ 1 đến 2 ngày trước khi phát ban xuất hiện cho đến khi tất cả các mụn nước khô và đóng vảy.
Sau một tuần, virus bắt đầu lan rộng và gây ra tình trạng phát ban ngoài da, đây là các tổn thương da điển hình. Sự lây nhiễm còn có thể bắt nguồn từ các tổn thương trên da. Tiếp xúc trực tiếp giữa người với người tại các vị trí có tổn thương da cũng có thể làm lây lan virus do các nốt sần và mụn nước có số lượng virus cao.
Ngoài ra, bệnh thủy đậu ở người mẹ bị nhiễm virus có thể lây truyền qua nhau thai cho thai nhi. Điều này có thể khiến trẻ sơ sinh bị thủy đậu. Nhiễm trùng ở các cơ quan khác như hệ thần kinh, phổi hoặc gan cũng có thể xảy ra. Từ đó gây ra viêm não, viêm gan hoặc viêm phổi. Thời gian ủ bệnh thông thường là 10 – 21 ngày. Bệnh dễ lây từ 1 – 2 ngày trước khi xuất hiện ban cho đến khi các vết ban đóng vảy, thường là 5 – 6 ngày sau khi ban đầu xuất hiện.
Các yếu tố nguy cơ khiến thủy đậu ở trẻ em diễn biến nặng
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh thủy đậu nặng ở trẻ sơ sinh như sau:
-
Tháng đầu tiên của cuộc đời: Tháng đầu đời của trẻ sơ sinh là giai đoạn dễ mắc bệnh thủy đậu nặng, đặc biệt nếu người mẹ bị nhiễm trùng huyết thanh.
-
Sinh non: Trẻ sinh non trước 28 tuần tuổi thai cũng khiến em bé dễ bị nhiễm vì quá trình truyền qua nhau thai xảy ra kháng thể immunoglobulin G (IgG) sau thời gian này.
Triệu chứng bệnh thủy đậu ở trẻ em
Lâm sàng
Bệnh thủy đậu thường được bác sĩ chẩn đoán bằng các triệu chứng lâm sàng dựa trên cơ sở phát ban đặc trưng diễn tiến ở các vùng tổn thương điển hình. Các tổn thương có thể được tìm thấy trong tất cả các giai đoạn trong đợt bệnh ở các vị trí bị ảnh hưởng. Tiền sử tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh trong thời gian ủ bệnh từ 10 – 21 ngày cũng là một manh mối quan trọng trong chẩn đoán.
Triệu chứng ở trẻ mắc thủy đậu
Bệnh thủy đậu ở trẻ em thường không có các triệu chứng báo hiệu trước. Bệnh khởi phát với tình trạng nổi ban đỏ ngoài da. Ở người lớn và thanh thiếu niên, có thể gặp một số triệu chứng như buồn nôn, đau cơ, chán ăn và nhức đầu trước khi triệu chứng phát ban xuất hiện. Bộ ba triệu chứng bao gồm phát ban, khó chịu và sốt nhẹ có thể báo hiệu bệnh khởi phát, và bệnh đã có khả năng lây nhiễm trong 1 – 2 ngày trước khi phát ban.
Giai đoạn đầu hình thành nốt ban đỏ
Các nốt ban đỏ nhỏ xuất hiện đầu tiên tại vùng da đầu, mặt, thân và các chi gần, tiến triển liên tục nhanh chóng trong 12 – 14 giờ thành các nốt sẩn, mụn nước trong và mụn mủ và hình thành lớp vảy trên bề mặt sau đó.
Giai đoạn tiếp theo là hình thành mụn nước
Các mụn nước có thể xuất hiện trên lòng bàn tay, lòng bàn chân và trên niêm mạc, cùng với các vết loét gây đau ở vùng họng hoặc vùng bẹn và cơ quan sinh dục. Một số trường hợp có thể có triệu chứng ngứa đi kèm với giai đoạn nổi mụn nước, đặc biệt triệu chứng ngứa sẽ càng rầm rộ khi mụn nước bắt đầu đóng vảy. Cần chú ý rằng ban da sẽ không nổi lên cùng một lúc mà ban mới sẽ liên tục xuất hiện trong suốt quá trình bệnh.
Bệnh nhân điển hình vẫn có khả năng lây nhiễm trong 4 – 5 ngày sau khi phát ban, giai đoạn này mụn nước thường đã bắt đầu đóng vảy. Phát ban kèm ngứa là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh thủy đậu. Tình trạng nhiễm virus sẽ còn tiếp diễn trong cơ thể khoảng 7 đến 21 ngày.
Ngoài phát ban, một số các triệu chứng khác có thể kéo dài vài ngày bao gồm:
-
Sốt.
-
Đau đầu.
-
Chán ăn, lười ăn ở trẻ nhỏ.
Các biến chứng của bệnh thủy đậu có thể gặp ở trẻ em
Một số biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải ở trẻ em mắc thủy đậu sau:
1. Viêm phổi
Viêm phổi là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh thủy đậu, chủ yếu xảy ra ở trẻ lớn và người lớn. Các triệu chứng ở đường hô hấp thường xuất hiện 3 – 4 ngày sau khi phát ban. Viêm phổi có thể không đáp ứng với điều trị và diễn tiến nặng cần điều trị tại bệnh viện.
2. Nhiễm khuẩn ngoài da
Virus thủy đậu gây ra các tổn thương ngoài da, và nhiễm trùng tại các vị trí thương tổn này có thể xảy ra trong quá trình bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng có thể khó phân biệt được với bệnh thủy đậu không biến chứng trong 3 – 4 ngày đầu tiên. Nhiễm trùng tổn thương da thường gặp ở khoảng 5 – 10% trẻ em. Những tổn thương ngoài da là một ngõ vào cho các vi khuẩn gây bệnh; có thể gây ra viêm mô tế bào lan rộng nhanh, dẫn đến nhiễm trùng nặng. Ngoài hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc nặng, các vi khuẩn bội nhiễm có thể gây viêm cân cơ hoại tử, nhiễm trùng máu, viêm tủy xương, viêm cơ mủ, áp xe dưới da, viêm khớp và viêm màng não ở bệnh nhân thủy đậu.
3. Biến chứng ở hệ thần kinh
Các biến chứng thần kinh bao gồm mất điều hòa của vùng tiểu não, viêm não, viêm màng não không nhiễm trùng, viêm tủy (bao gồm cả hội chứng Guillain-Barré). Các biểu hiện triệu chứng thần kinh có thể rất đa dạng, bao gồm loạng choạng nhẹ đến mất khả năng đứng và đi hoàn toàn, kèm theo rối loạn khác, co giật, rối loạn tri giác, kém tiếp xúc, …
4. Herpes zoster
Một biến chứng muộn của bệnh thủy đậu là herpes zoster, xảy ra vài tháng đến vài năm sau lần nhiễm trùng ban đầu ở khoảng 15% bệnh nhân. Biến chứng là do virus còn tồn tại trong các hạch thần kinh bên trong cơ thể và bùng phát khi có điều kiện thuận lợi.
Herpes zoster bao gồm phát ban mụn nước một bên, giới hạn khoảng 1 – 3 mụn nước. Phát ban thường gây đau ở trẻ lớn và người lớn. Việc chủng ngừa thủy đậu định kỳ khi trẻ còn nhỏ có thể làm giảm nguy cơ của herpes zoster.
5. Các biến chứng khác
Các biến chứng khác được ghi nhận bao gồm viêm tai giữa, viêm gan, viêm thần kinh thị giác, viêm cầu thận, viêm cơ tim, viêm ruột thừa, viêm tụy, ban xuất huyết Henoch-Schönlein, viêm tinh hoàn, viêm mống mắt và viêm giác mạc. Các biến chứng ngoài da thường gặp ở người lớn nhiều hơn trẻ em.
Điều trị/Xử lý tại nhà như thế nào?
Khi gia đình có trẻ xác định mắc bệnh thủy đậu cần cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan.
Những điều nên làm
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần biết cách chăm sóc cho trẻ tại nhà đúng cách, bao gồm:
-
Cho trẻ uống nhiều nước.
-
Tắm cho trẻ thường xuyên và đúng cách để giảm tình trạng ngứa tại các sang thương da và ngăn ngừa lây nhiễm cũng như nhiễm trùng da.
-
Để tránh trẻ gãi khi ngứa có thể dẫn đến nhiễm trùng và để lại sẹo, móng tay của trẻ nên được cắt ngắn và gọn gàng.
-
Đối với trẻ nhỏ có thể đeo găng tay hoặc tất vào ban đêm và có thể dùng thuốc trị ngứa khi cần thiết.
-
Khi trẻ sốt có thể điều trị hạ sốt bằng paracetamol và không nên sử dụng các loại thuốc có chứa aspirin.
Trẻ em mắc bệnh thủy đậu nên được chăm sóc bởi người lớn khỏe mạnh, không có các bệnh lý nền với nguy cơ mắc thủy đậu nặng, và cần tránh tiếp xúc phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh chưa được chủng ngừa và những người bị suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng corticoid kéo dài nhằm bảo vệ sức khỏe của các đối tượng nguy cơ nêu trên. Trẻ em mắc bệnh thủy đậu có thể nghỉ học cho đến khi tất cả các tổn thương đóng vảy. Người chăm sóc trẻ cũng nên chú ý cần cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ, bảo đảm chế độ dinh dưỡng và uống đủ nước, bổ sung vitamin cần thiết nhằm nâng cao sức đề kháng của trẻ.
Những điều tuyệt đối tránh
-
Không cho trẻ sử dụng ibuprofen. Vì nó có thể gây nhiễm trùng da nghiêm trọng.
-
Không cho trẻ em dưới 16 tuổi uống aspirin.
-
Không cho trẻ bệnh đến gần trẻ sơ sinh, người đang mang thai và người bị suy giảm hệ miễn dịch.
-
Không để trẻ gãi các nốt mụn, vì gãi có thể gây sẹo.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám bởi bác sĩ ngay nếu có các triệu chứng sau:
-
Đỏ, sưng hoặc đau bất thường, gây khó chịu liên tục cho trẻ trên một vùng phát ban.
-
Trẻ không ăn uống được, không uống được nước, nôn ói thường xuyên liên tục khiến trẻ không ăn uống được.
-
Các dấu hiệu mất nước, như nước tiểu ít và có màu vàng sậm, trẻ lừ đừ, mệt mỏi, khô miệng và môi, khát nước quá mức.
-
Lú lẫn, cáu kỉnh, buồn ngủ hoặc khó đánh thức.
-
Không đi lại được hoặc yếu tay chân bất thường.
-
Khó thở, đau ngực, thở khò khè, thở nhanh hoặc ho dữ dội.
-
Sốt kéo dài hơn 4 ngày hoặc sốt trở lại sau khi đã hết sốt.
-
Khám ngay khi trẻ có tiếp xúc với người mắc bệnh thủy đậu và xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc thủy đậu.
Chẩn đoán bệnh thủy đậu ở trẻ em
Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh thủy đậu dựa trên các triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm đặc điểm phát ban đỏ kèm mụn nước trên cơ thể. Phát ban và sốt là những hình ảnh đặc trưng cho bệnh thủy đậu. Ngoài ra, trẻ cần được thăm khám theo lịch hẹn tái khám nếu cần để phát hiện các biến chứng nếu nghi ngờ.
Tổn thương da ban đầu xuất hiện trên mặt và thân, bắt đầu là các dát đỏ và diễn tiến trong 12 – 14 ngày trở thành sẩn, mụn nước và cuối cùng đóng mày. Một trẻ khỏe mạnh có thể có từ 250 – 500 vết mụn nước, có thể có ít nhất 10 mụn nước hoặc nhiều đến 1500 mụn nước trên cơ thể. Một số trường hợp có mụn nước kèm xuất huyết. Một dấu hiệu khác để nhận biết bệnh là sự xuất hiện của ban mụn nước mới liên tục trong suốt thời gian bệnh.
Nhìn chung, các xét nghiệm là không cần thiết trong đa số trường hợp để chẩn đoán, vì bệnh thủy đậu có thể được chẩn đoán rõ ràng trong quá trình thăm khám bệnh. Tuy nhiên, một số xét nghiệm có thể hữu ích trong việc chẩn đoán hoặc xác định các biến chứng (ví dụ: chụp X quang phổi cho bệnh viêm phổi do thủy đậu).
Điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ
Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh thủy đậu có diễn tiến tự giới hạn, lành tính, và người bệnh chỉ cần điều trị các triệu chứng trong khi chờ bệnh tự thoái lui. Trẻ khỏe mạnh có thể tự khỏi bệnh trong hầu hết các trường hợp thủy đậu. Bệnh thường diễn tiến trong vòng một đến hai tuần sau khi được chẩn đoán.
Quý phụ huynh nên giữ trẻ tại nhà, không đến trường để ngăn ngừa sự lây lan của virus. Người lớn bị nhiễm bệnh cũng cần ở nhà. Cần hỗ trợ tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng cách nghỉ ngơi điều độ đầy đủ, chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống nhiều nước, bổ sung vitamin.
Cách làm dịu da ngứa
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng histamin hoặc các loại thuốc bôi ngoài da để giúp giảm ngứa tại các tổn thương ngoài da. Bạn cũng có thể làm dịu ngứa da bằng cách:
-
Tắm nước ấm.
-
Thoa kem dưỡng da không mùi.
-
Mặc quần áo nhẹ, mềm.
Trường hợp diễn biến nặng
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus nếu cần thiết, như trong trường hợp diễn tiến có biến chứng do virus gây ra. Những người có nguy cơ cao thường là thanh niên, người lớn tuổi hoặc những người có các bệnh lý nền đi kèm.
Những loại thuốc kháng virus này không chữa khỏi bệnh thủy đậu mà chỉ làm cho triệu chứng trở nên ít nghiêm trọng hơn bằng cách làm chậm hoạt động của virus. Điều này sẽ cho phép hệ thống miễn dịch của cơ thể chữa lành nhanh hơn.
Khi bệnh thủy đậu lành lại, hầu hết mọi người trở nên có miễn dịch với virus. Trong một số trường hợp hiếm, bệnh có thể tái phát để gây ra một đợt thủy đậu khác. Phổ biến hơn là bệnh zona, do virus tái kích động trong cơ thể xảy ra muộn hơn khi trẻ đã trưởng thành. Nếu hệ thống miễn dịch của cơ thể tạm thời bị suy yếu, virus có thể kích hoạt lại dưới dạng bệnh zona. Điều này thường xảy ra do tuổi cao hoặc bị bệnh suy nhược cơ thể.
Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu ở trẻ em
Thuốc chủng ngừa thủy đậu ngăn ngừa bệnh thủy đậu ở đa số người được tiêm đủ hai liều theo khuyến cáo tiêm chủng. Trẻ nên được tiêm phòng khi được 12 đến 15 tháng tuổi. Trẻ em được tiêm nhắc lại trong khoảng từ 4 đến 6 tuổi. Trẻ lớn hơn và người lớn chưa được chủng ngừa hoặc có tiếp xúc với bệnh thủy đậu có thể tiêm liều vắc-xin bổ sung. Vì bệnh thủy đậu có xu hướng trầm trọng hơn ở người lớn tuổi.
Như vậy, chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu một số thông tin cơ bản để quý phụ huynh có thể nhận biết ban đầu bệnh thủy đậu, hiểu được cách chăm sóc khi trẻ mắc thủy đậu và các dấu hiệu cần đưa trẻ đi khám. Bệnh thủy đậu ở trẻ em đa số có diễn tiến lành tính và quá trình chăm sóc không phức tạp tuy nhiên quý phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ đúng cách để hạn chế nguy cơ xảy ra các biến chứng hoặc nhiễm trùng. Hy vọng bài viết trên đã góp phần giúp quý phụ huynh giải tỏa những thắc mắc và lo lắng đối với căn bệnh thủy đậu, một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ em.