Tin sức khỏe - đời sống
Những điều cần lưu ý về bệnh viêm phế quản cấp
1. Viêm phế quản cấp là gì?
Phế là phổi, quản là cái ống, phế quản là ống dẫn không khí vào trong phổi. Viêm phế quản cấp là tình trạng viêm dẫn đến tổn thương lớp tế bào bề mặt của lòng ống phế quản do tiếp xúc với các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài gây phù nề, co thắt cơ trơn lớp tế bào này làm tăng tiết dịch nhiều hơn dẫn tới hiện tượng ho, khò khè, có đờm,…Lớp niêm mạc phế quản cấu tạo gồm các tế bào chất nhầy, tế bào có lông bình thường có nhiệm vụ bắt giữ các hạt bụi, các chất độc hại,…và vận chuyển chúng ra khỏi cơ thể.
2. Nguyên nhân gây viêm phế quản là gì?
Phần lớn các trường hợp viêm phế quản cấp do virus – các loại virus tương tự gây cảm lạnh hoặc cúm. Ngoài ra cũng có thể là do vi khuẩn song ít xảy ra hơn.
2.1 Triệu chứng bệnh
Bệnh thường xuất hiện sau một đợt cúm. Triệu chứng điển hình là ho, bên cạnh đó có thể gặp các triệu chứng khác như:·
-
Tức ngực.
-
Ho có đàm, dịch đàm trong hoặc có màu như trắng, vàng, xanh.
-
Khó thở.
-
Thở khò khè.
-
Đau nhức mình mẩy.
-
Sốt nhẹ.
-
Chảy nước mũi, nghẹt mũi.
2.3 Các tác nhân gây bệnh viêm phế quản cấp
-
Sức đề kháng thấp: thường xảy ra ở trẻ dưới 12 tháng tuổi, trẻ nhỏ và người lớn tuổi.
-
Khói thuốc lá: Người hút thuốc lá hoặc người thường xuyên hít phải khói thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh cao.
-
Tiếp xúc với hóa chất: Người làm những việc phải tiếp xúc thường xuyên với hóa chất hoặc chất gây kích ứng phổi như các bụi vải, hơi hóa chất, …
-
Trào ngược dạ dày: Các đợt ợ nóng nghiêm trọng gây kích thích cổ họng cũng dễ gây viêm phế quản cấp.
3. Chăm sóc và điều trị
Đa số trường hợp mắc viêm phế quản cấp do siêu vi thường biểu hiện bệnh nhẹ nhàng như sốt, ho, đau đầu, người mệt mỏi, đau rát họng, ho khan hoặc có đờm trắng,…thì chỉ cần điểu trị giảm triệu chứng là chính.
Trường hợp viêm phế quản cấp do virus thì không cần dùng kháng sinh. Người bệnh nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước đặc biệt là nước chanh để tăng cường đề kháng; giữ gìn vệ sinh răng miệng, súc miệng bằng nước muối thường xuyên, giữ ấm cơ thể… Hạn chế dùng ngay kháng sinh để tránh dẫn tới lờn thuốc.
4. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Một số bệnh nhiễm trùng hô hấp khác cũng có triệu chứng tương tự như viêm phế quản cấp. Để tránh nhầm lẫn, tất cả những trường hợp có ho, khạc đờm kèm theo một trong các biểu hiện như bệnh kéo dài hơn 5 ngày, có thêm sốt, khó thở, tức ngực hoặc mệt nhiều,…cần đến khám bác sĩ ngay.
Ngoài việc thăm khám lâm sàng, bệnh nhân còn có thể được yêu cầu thực hiện các xét nghiệm để tránh nhầm lẫn với các bệnh khác. Các xét nghiệm bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân như:
-
Chụp X-quang phổi: người bệnh nhân sẽ được yêu cầu chụp X-quang phổi khi ho có đờm và kèm thêm một trong các yếu tố như: người lớn tuổi (>75), mạch nhanh, thở gấp, sốt trên 38 độ C.
-
Xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh: ít khi thực hiện, trừ trường hợp bệnh nhân đã được chỉ định điều trị khang sinh nhưng không thấy hiệu quả. Trong trường này bệnh nhân sẽ được cấy mẫu đàm của mình để tìm vi khuẩn gây bệnh. Từ đó làm cơ sở cho bác sĩ kê kháng sinh.
-
Xét nghiệm máu.
Chỉ sử dụng kháng sinh trong trường hợp viêm phế quản do nhiễm khuẩn.
5. Điều trị các triệu chứng đi kèm
Bệnh nhân có thể được sử dụng thêm các thuốc điều trị triệu chứng đi kèm như:
-
Sốt: Thường là acetaminophen (paracetamol) dùng khi sốt cao (từ 38,5 độ trở lên). Với những người bệnh là trẻ em có bệnh lý tim, phổi, thần kinh… cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc hạ sốt. Tuyệt đối không dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ em, người bị hen, người bị loét dạ dày – tá tràng.
-
Ho: Người bệnh nên uống nhiều nước giúp cải thiện việc ho, khạc đờm chú ý không nên dùng thuốc giảm ho.
-
Sổ mũi, nghẹt mũi: Nên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý.
-
Ho có đờm: Trên thị trường có rất nhiều loại thuốc có tác dụng làm loãng đờm, giảm độ dính của đờm như acetylcystein, bromhexin, carbocystein…ngoài ra cần khuyên người bệnh uống nhiều nước.
6. Làm thế nào để phòng bệnh?
Để phòng tránh được bệnh cần loại bỏ các tác nhân có thể gây kích ứng, yếu tố nguy cơ cho bệnh nhân bằng cách:
-
Cách ly người bệnh, không tiếp xúc gần những người đang có biểu hiện viêm hô hấp như ho, sốt, sổ mũi,…Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Đối với người bệnh khi ho phải ho vào khăn hoặc che miệng bằng vạt áo,
-
Không hút thuốc lá.
-
Tránh khói bụi trong, ngoài nhà, môi trường ô nhiễm.
-
Tăng cường uống nhiều nước, giữ ấm vào mùa lạnh.
-
Tiêm vacxin phòng cúm, phế cầu, đặc biệt ở những trường hợp có bệnh phổi mạn tính, suy tim, cắt lách, tuổi > 65.
-
Điều trị các nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt, tình trạng suy giảm miễn dịch.
-
Vệ sinh răng miệng.
-
Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.
Bệnh viêm phế quản cấp là một bệnh nhiễm trùng hô hấp khá phổ biến, thường tự khỏi và không để lại di chứng gì. Biết cách phòng tránh có thể giúp hạn chế được nguy cơ mắc bệnh, tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.